Đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn
Phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại.
Đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng
Ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị tham vấn Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025.
Những năm qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp đã bước đầu chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) ở một số vùng gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, tuy nhiên phát triển các vùng nguyên liệu nông sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.
Vì vậy, việc phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, hiện đại, ổn định lâu dài là rất cần thiết để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025” nhằm thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung thuộc địa bàn 11 tỉnh, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng ra cả nước.
hông tin tại Hội nghị, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết, Đề án được xây dựng với 3 hợp phần chính. Hợp phần 1 là đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu. Hợp phần 2 là tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu. Hợp phần 3 là phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông.
Hội nghị tham vấn nội dung Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Phạm Hiếu.
Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 1.645,8 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương chiếm 32%, nguồn vốn của địa phương và các hợp tác xã, doanh nghiệp đối ứng 26,48%, còn lại là vốn tín dụng.
Theo đó, bước đầu 5 vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa với diện tích 158.300 ha trên phạm vi 50 huyện thuộc 11 tỉnh gồm Sơn La, Hoà Bình, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắc Lắc, Kiên Giang, An Giang đã được hình thành.
Đề án đã thu hút 250 HTX nông nghiệp, 185.000 hộ nông dân và 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản, dẫn dắt chuỗi giá trị cam kết tham gia, qua đó góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Đề án được triển khai thí điểm đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn của của các địa phương, các doanh nghiệp, các HTX và người dân. Các địa phương đều rất quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng đề án; chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan của bộ và chỉ đạo các sở, ban ngành, các địa phương rà soát, xác định các nội dung xây dựng Đề án; bố trí nguồn vốn của địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện nội dung dự án.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thịnh, đây là Đề án mới lần đầu được Bộ NN-PTNT chỉ đạo xây dựng thí điểm, tổng thể nhiều nội dung; yêu cầu chủ trương đầu tư gấp và triển khai xây dựng trong thời gian ngắn, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc khảo sát, thu thập thông tin, số liệu để xây dựng Đề án gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một số địa phương chưa nhận thấy hết được tầm quan trọng, chưa hiểu hết mục tiêu và nội dung của Đề án nên còn nhiều băn khoăn trong chỉ đạo thực hiện; chỉ quan tâm đến hợp phần dự án đầu tư hạ tầng do Bộ đầu tư nên chưa chủ động bố trí vốn để thực hiện các nội dung hợp phần khác của Đề án.
Việc triển khai xây dựng Đề án ở một số địa phương còn chậm. Sở NN-PTNT các tỉnh được giao làm đầu mối xây dựng Đề án nhưng phải lấy ý kiến các Sở ngành về các nội dung đề án, nguồn kinh phí của tỉnh để thực hiện nên mất nhiều thời gian chuẩn bị Đề án.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định, trong sản xuất nông nghiệp, nếu những yếu tố cơ bản như giống, công nghệ sản xuất, vùng nguyên liệu được gắn với việc tái cơ cấu thì sẽ mang lại hiệu quả cao.
5 vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa với diện tích 158.300 ha trên phạm vi 11 tỉnh đã được hình thành. Ảnh: Phạm Hiếu
Theo đó, Thứ trưởng cho rằng các vùng nguyên liệu cần được xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường trong ngoài nước. Đồng thời cần tổ chức lại sản xuất gắn với các hợp tác xã và doanh nghiệp để xây dựng những chuỗi sản xuất nông sản giá trị cao.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam phân tích: “Việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn sẽ khắc phục được những hạn chế và tồn tại của lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết.
Đồng thời tăng cường gắn kết và tương thích giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến; nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng; thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp; quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.
Qua đó, giúp Nhà nước quản lý tốt về quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản và quản lý hiệu quả được nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.”
Theo các đại biểu tham dự Hội nghị, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại.
Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao gia trị, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.
Đưa ra ý kiến, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu), bày tỏ mong muốn qua việc tham gia Đề án, Công ty sẽ giải quyết được những vướng mắc trong kinh doanh, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên.
Đại diện Công ty Chánh Thu cũng cho rằng, vùng nguyên liệu được hình thành theo mô hình cánh đồng lớn của Đề án cần xây dựng những tiêu chuẩn chất lượng để có thể đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ…, từ đó có thể triển khai ở cả thị trường trong nước.
“Thay vì xây dựng những chi nhánh để tập kết thu mua trái cây, thông qua Đề án, Công ty sẽ kết nối với các vùng nguyên liệu trồng những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các tỉnh như sầu riêng, xoài, nhãn, mít…”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ.
Đề án sẽ thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung thuộc địa bàn 11 tỉnh. Ảnh: LHV.
Bên cạnh đó, bà Vy đề xuất cần áp dụng công nghệ số trong sản xuất vùng nguyên liệu để có thể minh bạch trong vấn đề quản lý tiêu chuẩn chất lượng.
“Người sản xuất cần coi việc quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc là trách nhiệm và bổn phận. Không phải là tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP mà cần xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam. Từ đó mới có thể tạo dựng uy tín nông sản Việt với thị trường trong nước cũng như quốc tế.”
Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cũng nhấn mạnh nếu được hỗ trợ về vùng nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư để phát triển thị trường, mạnh dạn bước vào những chuỗi cung ứng lớn của thế giới, đặc biệt là việc phát triển tại thị trường Trung Quốc.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh các số liệu trong tháng 10 để rà soát, thống nhất và trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ký triển khai Đề án vào đầu tháng 11 tới đây. “Đây mới chỉ là Đề án khung xây dựng vùng nguyên liệu liên kết sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ được lồng ghép nhiều chương trình khác nên nhiệm vụ và nguồn vốn của Đề án có thể sẽ tăng lên”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thông tin thêm.
Phạm Hiếu
Theo báo Nông Nghiệp
Comments