Vụ đông gánh vụ mùa.
Sau bão số 3, những tưởng sản xuất vụ đông sẽ gặp nhiều chật vật, song thực tế lại rất thuận lợi. Nông dân Hải Dương đang có một vụ đông được mùa, trúng giá.
Trà rau vụ đông sớm xuống giống sau bão số 3 đã cho thu hoạch với năng suất cao, được giá.
Rau vụ đông sớm tốt không ngờ, nông dân trúng đậm
Hải Dương là một trong những địa phương có hoạt động sản xuất cây vụ đông sôi động bậc nhất Đồng bằng sông Hồng. Nông dân tỉnh này lâu nay đã xác định vụ đông là vụ sản xuất chính, có khả năng tạo đột biến thu nhập.
Vụ đông 2024 của Hải Dương diễn ra trong bối cảnh sản xuất vụ mùa chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão. Để khôi phục sản xuất, gia tăng sản lượng, giá trị sản xuất vụ đông nhằm bù đắp thiệt hại do mưa bão, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhanh chóng xây dựng, ban hành kế hoạch sản xuất và bộ giải pháp hỗ trợ nông dân.
Toàn tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng 21.500ha cây vụ đông và phấn đấu mở rộng diện tích tăng thêm khoảng 5% so với kế hoạch (tương đương khoảng 1.000ha). Trong đó, diện tích rau các loại 18.000ha, ngô 1.500ha, cây khác 2.000ha. Giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 4.800 tỷ đồng, bình quân 223 triệu đồng/ha.
Ngay sau đợt mưa bão số 3, các diện tích lúa mùa nhanh chóng được thu hoạch để sớm giải phóng đất, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng diện tích cây vụ đông sớm. Nhiều tiến bộ về giống, giải pháp canh tác được chuyển giao, ứng dụng rộng rãi. Từ đầu vụ đông tới nay, thời tiết duy trì nắng ấm, độ ẩm cao giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Vụ đông 2024, Hải Dương đặt mục tiêu gieo trồng 21.500ha và phấn đấu mở rộng diện tích tăng thêm khoảng 5% so với kế hoạch.
Tại huyện Tứ Kỳ thời điểm này, hình ảnh những cánh đồng tan hoang, mất trắng khi nước sông Thái Bình, sông Luộc, sông Bắc Hưng Hải chảy qua địa bàn dâng cao, nhấn chìm tất cả trong đợt bão số 3 đã nhanh chóng được thay thế bằng vựa su hào, khoai tây, ngô xanh ngắt. Ngoài phục vụ nhu cầu thực phẩm tại chỗ, những chuyến rau vụ đông sớm đầu tiên sau bão đã bắt đầu tỏa đi khắp các tỉnh thành.
Ông Nguyễn Văn Duyệt, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Đạo (xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ) phấn khởi cho biết, nhìn khung cảnh ngổn ngang khi nước rút ai cũng nghĩ sẽ chật vật, khó khăn để khôi phục sản xuất.
Nhưng khi bắt tay vào cải tạo, xuống giống thì lại trái ngược hoàn toàn. Đất ngập lâu ngày trong nước nên một số mầm bệnh bị triệt tiêu, thời tiết thuận lợi chưa từng có nên chỉ sau 1 tháng, HTX đã xuống giống được 80% diện tích vụ đông, đến hiện tại toàn bộ gần 300ha đã được phủ xanh.
Sự cố gắng, cần mẫn của người dân Hưng Đạo được đền đáp xứng đáng khi giá bán các loại rau vụ đông thời gian qua duy trì ở mức cao (su hào 3.000 - 4.000 đồng/củ, súp lơ 7.000 - 8.000 đồng/cái, cần tây, tỏi tây 25.000 đồng/kg…). Thương lái khắp nơi tìm về “ăn hàng” nhưng không phải ai cũng hài lòng vì chỉ chậm chân là hết.
Nông dân phấn khởi vì trà rau vụ đông sớm cho năng suất và giá bán ở mức cao.
Ông Phạm Hữu Tám, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyên Giáp (xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ) cũng không giấu được niềm vui khi 230ha rau các loại của HTX đã hồi xanh thần kỳ. Nỗi buồn khi các diện tích dưa hấu sắp cho thu hoạch bị cuốn trôi theo con nước đã được thay bằng niềm vui thắng lợi của trà rau vụ đông sớm. Theo tính toán, mỗi sào su hào trồng khoảng 3.000 gốc, thời tiết, đất trồng thuận lợi nên chỉ sau 45 ngày nông dân đã có thể thu hoạch, bỏ túi 7 - 8 triệu đồng/sào (cao hơn so với cùng kỳ năm trước).
Theo ông Tám, không để cơ hội gia tăng lợi nhuận tuột khỏi tầm tay, HTX dựa trên kinh nghiệm sản xuất của người dân chia thành các khu trồng chuyên canh rau màu các loại. Các hộ hào hứng, tận dụng mọi chân đất có thể gieo trồng để xuống giống. Nhiều diện tích đất 2 lúa chưa từng được canh tác rau vụ đông cũng được phủ kín bằng các trà ngô, khoai lang...
Tuy nhiên, song hành với niềm vui thắng lợi, ông Tám, ông Duyệt cũng như nhiều HTX vẫn trăn trở khi chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ và doanh nghiệp, đơn vị thu mua còn lỏng lẻo, thậm chí chết yểu, nguyên nhân tới từ cả hai phía. Khi lượng cung hạn chế, doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm, nhưng khi nguồn cung dồi dào thì lại kén chọn, chỉ thu mua những sản phẩm tốt nhất, còn lại thả nổi để nông dân tự lo. Trong khi đó, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, lao động thủ công vẫn chiếm phần nhiều nên để đảm bảo độ đồng đều sản phẩm là rất khó.
Tận dụng thời cơ thuận lợi, nông dân Hải Dương tăng tốc sản xuất vụ đông để gia tăng thu nhập.
Về phía các hộ sản xuất, nhiều người mặc dù đã ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp theo mức giá đảm bảo có lãi, nhưng khi giá cả thị trường cao hơn so với mức giá thỏa thuận thì lại bán sản phẩm ra bên ngoài, khiến doanh nghiệp khó khăn thu gom nguyên liệu. Nếu tình trạng này không được cải thiện, khi bước vào giai đoạn chính vụ nguồn cung dồi dào, nông dân rất dễ rơi vào tình cảnh được mùa mất giá.
Mở rộng thị trường xuất khẩu cà rốt
Điểm sáng trong sản xuất vụ đông ở Hải Dương những năm qua là xuất khẩu thành công cà rốt và bắp cải. Yêu cầu của thị trường tăng lên đã giúp những nông dân tại Gia Lộc, Cẩm Giàng… thành những chuyên gia thực thụ. Kinh nghiệm phong phú cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật đã giúp sản phẩm rau củ thuận lợi đi thẳng tới các siêu thị, cửa hàng và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) chia sẻ, vụ cà rốt năm nay do ảnh hưởng bão số 3 nên thời gian xuống giống chậm hơn so với năm trước khoảng 15 ngày. Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. HTX vẫn duy trì diện tích cà rốt 360ha và hơn 1.000ha người dân trên địa bàn đi các tỉnh bạn thuê đất để trồng.
Do đặc thù 70% sản lượng cà rốt được xuất khẩu với giá trị cao nên ngay từ đầu vụ HTX đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, phân chia vùng trồng; khuyến khích các hộ tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay thế phân gà ủ hoai mục các vụ trước vẫn sử dụng để cải tạo đất (hiện đã có 100ha chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh); tuân thủ nghiêm ngặt danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và đảm bảo thời gian cách ly.
HTX Đức Chính đặt mục tiêu trong vụ đông 2024 sẽ có 45.000 tấn cà rốt xuất khẩu thành công sang các thị trường.
Một thông tin đáng mừng là bên cạnh các bạn hàng xuất khẩu quen thuộc đã về đặt hàng, năm nay nhờ công tác xúc tiến thương mại và truyền thông được đẩy mạnh nên nhiều bạn hàng mới từ Lào, Thái Lan, Malaysia... cũng tìm về đặt vấn đề hợp tác thu mua. Trên cơ sở đó, HTX đặt mục tiêu trong vụ đông 2024 sẽ có 45.000 tấn cà rốt xuất khẩu thành công vào các thị trường.
Ông Thuật cũng cho rằng, với những mặt hàng rau củ xuất khẩu như cà rốt, người trồng phải không ngừng cải thiện chất lượng, độ đồng đều và mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, phải tiếp tục mở rộng thị trường và xây dựng đội ngũ thương lái chuyên nghiệp, quy mô lớn để dẫn dắt thị trường. Hiện tại, việc tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào lực lượng thương lái nhỏ và thương lái nước ngoài nên chưa có chiến lực thị trường cụ thể cho cà rốt, dẫn tới giá cả không có sự ổn định.
Trong toàn bộ quá trình sản xuất cà rốt hiện mới có 3 khâu cày bừa, lên luống, gieo hạt sử dụng máy móc, còn lại vẫn làm thủ công bằng tay nên chất lượng củ không đồng đều. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ xây dựng vùng trồng ứng dụng công nghệ cao, tưới thẩm thấu để khắc phục những hạn chế của hình thức chăm sóc thủ công. Ngoài ra, khâu thu hoạch cũng cần được đầu tư máy móc và gia tăng kho chứa để chủ động trong bối cảnh gặp thời tiết bất thuận.
Nguồn: Baonongnghiep.vn
TENABIO Chúc bà con một vụ mùa năng suất và thành công !
Mọi thắc mắc xin liên hệ Hotline: 0888.96.8585 để được giải đáp.
TENABIO - Công nghệ cao cho Nông nghiệp hữu cơ.
Comments