Quản lý cành bơi sầu riêng đúng cách
Cành bơi sầu riêng còn gọi là cành phụ, là những cành nhỏ mọc ra từ thân của cành mang quả. Cành bơi thường mọc tương đối nhiều trên cây, có khi mọc thành từng chùm trên thân, cành của cây sầu riêng.
Đặc điểm của cành bơi sầu riêng
Dựa vào vị trí và hướng mọc, cành bơi được chia làm 3 loại:
Cành hướng lên: Là cành lý tưởng để giữ lại, vì có khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt, quang hợp và chuyển hóa dinh dưỡng thúc đẩy quá trình phát triển của trái.
Cành hướng ngang: Cành nằm ngang nên được giữ lại vì những cành này có khả năng phân bố dinh dưỡng đều trên cây.
Cành hướng xuống: Là những cành nên loại bỏ vì chúng mọc yếu ớt, khó tiếp nhận ánh sáng và dinh dưỡng, nên những cành này không nuôi trái hiệu quả
Công dụng của cành bơi:
Cung cấp dinh dưỡng để nuôi cành mang quả to khỏe.
Đóng vai trò là chùm lá dự phòng cho cây, nếu như cành mang quả bị sâu bệnh hại tấn công làm rụng hết lá.
Thay thế cành mang quả bị gãy. Khi cành mang quả bị gãy, thay vì cắt bỏ toàn bộ cành, thì ta có thể cắt bỏ phần bị gãy và dưỡng cành bơi mọc ra từ vị trí đó, cành bơi được dưỡng sẽ phát triển thành cành mới và cho trái bình thường.
Các giai đoạn nên và không nên để cành bơi
Trước khi có mắt cua: Ở giai đoạn này nên cắt bỏ hết cành bơi để cây tập trung cho việc ra hoa, cây dồn sức cho việc phát triển chồi hoa và tạo tiền đề để cây đạt năng suất cao.
Từ mắt cua đến xổ nhụy: Nên giữ lại toàn bộ cành bơi vừa mọc ra ở giai đoạn này, lúc này cành bơi sẽ đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng cho cho quả non, giúp quả to khỏe và phát triển tốt.
Từ xổ nhụy đến lúc thu hoạch: Chỉ giữ lại những cành bơi đã già, mọc ở giai đoạn ra mắt cua, vì những cành này có khả năng nuôi trái tốt. Đồng thời, cắt bỏ những cành bơi vừa mới mọc vì những cành này cạnh tranh dinh dưỡng với quả.
Sau thu hoạch: Thời điểm này nên dưỡng tất cả các cành bơi đã có và mới mọc. Việc chăm sóc cành bơi ở giai đoạn này giúp cây phục hồi nhanh hơn và tạo điều kiện để cây ra hoa, đậu quả đạt năng suất ở vụ kế tiếp.
Comments